Các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để giám sát nguồn phát thải của mình, dữ liệu giám sát được truyền về các Sở Tài nguyên môi trường địa phương để quản lý, giám sát chặt chẽ các các nguồn phát thải nhằm kiểm soát tốt chất lượng môi trường.
Trên thực tế, hệ thống quan trắc tự động có chi phí đầu tư rất lớn, thường là hàng tỷ đồng; Trong khi đó, trình độ công nghệ và quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại nhỏ; Điều này đặt ra câu hỏi tại sao phải lắp hệ thống quan trắc tự động?
Một chút kiến giải câu hỏi đó như sau:
Trách nhiệm xã hội: Các cơ sở sản xuất cần phải minh bạch các dữ liệu về việc phát thải do quá trình sản xuất của mình gây ra với cộng đồng dân cư khu vực sản xuất và xã hội.
Trách nhiệm tuân thủ luật pháp: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chấp hành các các quy định của pháp luật nhà nước về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh.
Tại sao phải là quan trắc tự động:
Pháp luật bảo vệ môi trường quy định rất chặt chẽ về việc giám sát các nguồn thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các hình thức giám sát bao gồm: Quan trắc định kỳ; quan trắc tự động; Quan trắc theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra; Quan trắc đối chứng (nếu cần).
Trình độ công nghệ đo lường, giám sát ứng dụng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày nay đã đạt được yêu cầu giám sát liên tục 24/7; Do đó quan trắc tự động được lựa chọn là giải pháp công nghệ để kiểm soát các yếu tố gây nguy hiểm nhất đến môi trường của nguồn thải.
Quan trắc tự động: Là quá trình đo lường và giám sát MỘT SỐ thông số của nguồn thải có tác hại nguy hiểm đến môi trường; Việc giám sát được thực hiện liên tục thông qua một hệ thống tự động đo lường liên tục theo quy định của nhà nước.
Lợi ích của quan trắc tự động nguồn thải: Lắp đặt quan trắc tự động nguồn thải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đó là ý thức trách nhiệm xã hội, tuân thủ quy định luật pháp, hình ảnh doanh nghiệp trong công chúng; Mặt khác, nếu doanh nghiệp tận dụng những lợi ích kỹ thuật của việc lắp đặt quan trắc tự động cũng sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng thêm sức cạnh tranh.
Đối tượng nào phải lắp quan trắc tự động?
Theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường quy định:
Nước thải:
Đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục (trừ các trường hợp: cơ sở đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở có hệ thống xử lý nước thải vệ sinh bồn bể định kỳ tách riêng với hệ thống xử lý nước thải, cơ sở có nước làm mát không sử dụng chlorine hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật và cơ sở có nước tháo khô mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi), bao gồm:
a) Khu công nghiệp, cơ sở nằm trong khu công nghiệp nhưng được miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa, Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có quy mô xả thải từ 500 m3/ngày (24 giờ) trở lên tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải;
c) Cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung quy mô cấp tỉnh và cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có phát sinh nước thải công nghiệp hoặc nước rỉ rác ra môi trường, thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này, có quy mô xả thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải;
đ) Cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
e) Các đối tượng khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Khí thải:
Đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục bao gồm:
a) Dự án, cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục I, Mục III, Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Các lò đốt chất thải nguy hại; các lò đốt chất thải của cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung quy mô cấp tỉnh;
c) Khí thải của các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d) Cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
đ) Các đối tượng khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.