TÓM TẮT
Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
NỘI DUNG
Đây là một trong những thách thức với an ninh nguồn nước được các đại biểu đề cập tại Hội nghị Giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng ngày 17/8.
Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo sơ bộ Kết quả khảo sát an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ, đập của Đoàn công tác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban này đã tổ chức 02 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố: Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); duyên hải Miền Trung (Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng); Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận); đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Kiên Giang); Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai).
Qua đó, Đoàn khảo sát chỉ ra 8 thách thức với an ninh nguồn nước, trong đó có vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Vinh Hà, do tăng dân số, phát triển KT-XH nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến nhiễm mặn các dòng sông đặt ra vấn đề chống xâm nhập mặn ở những nơi chưa từng xảy ra như ở Sông Lam (Nghệ An), Sông Cả (Thanh Hóa); sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) nên ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương.
“Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước; đồng thời đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này” – ông Nguyễn Vinh Hà cho hay.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề cập đến việc ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để kiểm soát chất lượng nước; phòng chống ô nhiễm nguồn nước; quản lý vấn đề xả thải vào lưu vực sông, thúc đẩy sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm hiệu quả, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản dưới Luật về quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước các sông.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai việc sửa Luật Bảo vệ môi trường, theo đó hướng đến việc kiểm soát chặt nguồn nước thải, nước thải xả ra môi trường phải đạt quy chuẩn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm…
Với việc thực hiện những giải pháp trên, đến nay cả nước có 89% Khu công nghiệp (KCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 60% đã có hệ thống quan trắc tự động. Tại các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh... 100% các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt chất lượng nước các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng trước đây đang dần được cải thiện như sông Cầu tại tỉnh Thái Nguyên, sông Thị Vải tại tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy định của pháp luật về cấp phép xả nước thải còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm ví dụ như việc cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo pháp luật về thủy lợi, cơ chế phối hợp và trách nhiệm quản lý các lưu vực sông... Đây là những khó khăn, bất cập trong giải quyết tình trạng ô nhiễm các hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ-Đáy hiện nay.
Xoay trục sản xuất để thích ứng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh “nước ngọt ngày càng khan hiếm chứ không phải nhiều như nước”, và cho hay, mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các kênh, sông, hồ ngày càng nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng, nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng, ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và môi trường.
Việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún đất, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tài nguyên nước chưa được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, giá dịch vụ nước chưa được tính đúng, tính đủ nên ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không cao, còn gây lãng phí nước. Phần lớn trong chúng ta vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận và sẵn có…
Tại phiên giải trình, đại biểu Trần Xuân Hùng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về kế hoạch của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp để giải quyết hệ lụy, tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?".
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập đến giải pháp để phát triển bền vững là phải xoay trục sản xuất. "Nếu như trước kia Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào nguồn nước là nhiều, chủ yếu là lúa lên hàng đầu, sau đó đến thủy sản trái cây, thì tới đây xoay trục lại là thủy sản đầu tiên, sau đó trái cây và lúa. Thế giới tới đây cần nhiều thủy sản, trái cây", ông nói.
Bộ trưởng khẳng định giải pháp trên đang được thực hiện quyết liệt, ngay cả địa phương đầu nguồn là An Giang cũng đang chuyển theo hướng này và chứng tỏ phù hợp.../.
Theo Moitruong24h